Du lịch

Trung Quốc kiểm soát ‘TikTok nội địa’ thế nào

Douyin, nền tảng tương tự TikTok dành cho Trung Quốc, được kiểm soát gắt gao, thậm chí cực đoan để ngăn người dùng tạo nội dung gây hại.

TikTok đang đối mặt với hàng loạt áp lực từ các cơ quan quản lý trên toàn cầu do không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các video độc hại, gây nghiện, nhất là với trẻ vị thành niên. Đầu tháng 3, nền tảng video ngắn của ByteDance đưa ra giới hạn 60 phút sử dụng mỗi ngày cho người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, việc "qua mặt" lớp chặn này khá dễ dàng chỉ với một số thủ thuật cài đặt.

Thực tế, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, không xa lạ việc phải đối phó với áp lực tương tự từ chính phủ Trung Quốc dành cho nền tảng Douyin, ít nhất từ 2018. Khi đó, Douyin giới thiệu tính năng kiểm soát ứng dụng dành cho phụ huynh. Công ty cấm người chưa đủ tuổi livestream và triển khai "chế độ dành cho thanh thiếu niên", chỉ hiển thị nội dung theo danh sách cho phép giống như YouTube Kids.

Một năm sau, Douyin tiếp tục giới hạn thời gian sử dụng ở chế độ thanh thiếu niên xuống 40 phút mỗi ngày và chỉ có thể truy cập trong khoảng từ 6h đến 22h. Đến 2021, Douyin bắt buộc người dùng dưới 14 tuổi phải sử dụng chế độ này.

Logo Douyin - phiên bản "chị em" của TikTok - hiển thị trên smartphone. Ảnh: China Social Media

"Họ có vẻ nhận ra công nghệ đang ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, do đó đã cải tiến phiên bản nội địa và đưa một phiên bản gây nghiện khác tới phần còn lại của thế giới", Tristan Harris, nhà đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ Nhân đạo và cựu nhân viên của Google, nói với 60 Minutes năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự khác biệt giữa Douyin và TikTok không phải "kết quả của một âm mưu nào đó". "Douyin có lẽ sẽ rất giống TikTok nếu chính phủ Trung Quốc không điều chỉnh nền tảng nhanh chóng và mạnh mẽ", cây bút Zeyi Yang của Technology Review bình luận.

Cách Trung Quốc kiềm chế Douyin

Theo Yang, Trung Quốc vốn phản ứng nhanh trước những nguy cơ lẫn hậu quả của các nền tảng công nghệ mới. Chẳng hạn, trước tình trạng mê mạng xã hội và game của thanh thiếu niên, năm 2021, chính phủ nước này yêu cầu người dưới 18 tuổi chỉ được chơi game từ 8h đến 21h vào cuối tuần và ngày lễ. Nếu không tuân thủ, nhà phát hành game bị phạt nặng, nên đã phải chi hàng triệu USD xây dựng công cụ kiểm soát.

Các nền tảng video ngắn như Douyin cũng rơi vào tầm ngắm từ lâu. Ngày 27/2, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc cho biết đã triệu tập cuộc họp "thực thi quy định về video ngắn, ngăn người chưa đủ tuổi sử dụng loại nội dung này". Đây là tín hiệu cho thấy nước này vẫn chưa hài lòng với những biện pháp hiện tại của mạng xã hội, dù họ đã tuân thủ theo quy định.

Việc kiểm soát ứng dụng như Douyin diễn ra chặt chẽ. Để đảm bảo thanh thiếu niên không sử dụng tài khoản của cha mẹ hoặc tạo tài khoản ảo để xem/đăng lên Douyin, mọi thông tin đều được liên kết với danh tính thực của người dùng. Các công ty cũng tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát nội dung phát trực tiếp.

"Những biện pháp này có thể gây lo ngại về quyền riêng tư ở những nơi khác, nhưng lại hữu ích tại Trung Quốc", Yang nhận xét.

Về nội dung, chế độ dành cho thanh thiếu niên của Douyin cấm hiển thị nhiều thể loại, như video về trò đùa, thử thách, mê tín dị đoan, địa điểm giải trí như câu lạc bộ khiêu vũ, quán bar, karaoke và những nơi thanh thiếu niên chưa được phép vào.

Theo LatePost, tính riêng năm 2020, có hơn 20.000 người làm nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung cho ByteDance, phần lớn ở Trung Quốc.