Người bệnh ung thư có thể chán ăn, không nạp đủ lượng calo, protein, cần biết nhu cầu khuyến nghị cần thiết, chọn thực phẩm và chia nhỏ bữa.
Người đang điều trị ung thư có thể không nhận đủ lượng calo và protein (chất đạm) do ảnh hưởng của hóa trị, xạ trị, cảm xúc... Do đó, người bệnh có thể giảm cân không chủ ý. Nếu tình trạng này không cải thiện có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, nặng hơn là suy kiệt cơ thể.
Nhu cầu calo của mỗi người bệnh ung thư khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, cân nặng, chiều cao, mức độ hoạt động thể chất, quá trình điều trị ung thư... Viện Ung thư Quốc gia Mỹ khuyến cáo những người đang điều trị ung thư nên ăn đủ calo để ngăn ngừa giảm cân và cải thiện kết quả điều trị.
Có một số công thức mà chuyên gia dinh dưỡng sử dụng để ước tính nhu cầu calo nhưng cách đơn giản nhất là tính toán dựa trên cân nặng hiện tại. Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Clinical Nutrition, nhu cầu calo đối với người trưởng thành mắc bệnh ung thư khoảng từ 25-30 calo trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ: một người nặng 70 kg nên ăn 1.750-2.100 calo mỗi ngày, nếu nặng 90 kg cần khoảng 2.250-2.700 calo mỗi ngày. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu calo của từng cá nhân có thể cao hoặc thấp hơn.
Theo Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, protein rất cần thiết để duy trì sức khỏe hỗ trợ hình thành, duy trì và sửa chữa cơ và mô. Đây là thành phần quan trọng trong hầu hết các tế bào của cơ thể bao gồm tế bào máu, enzyme, hormone và tế bào miễn dịch. Lượng protein tối ưu cho người ung thư vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo các hướng dẫn của Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng và chuyển hóa châu Âu (ESPEN) đăng trên tạp chí Dinh dưỡng, lượng protein được khuyến nghị cho người ung thư trong khoảng 1,2-1,5 g cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ người nặng 70 kg cần khoảng 84-105 g protein, với người 90 kg là 108-135 g mỗi ngày. Người ung thư bị teo cơ nhiều hoặc giảm cân không chủ ý, mắc bệnh thận nặng có thể cần lượng protein cao hơn.
Trung bình 28 g cá, thịt gà, thịt lợn hoặc thịt bò đã nấu chín có 24 g protein. 28 g phô mát hoặc một quả trứng lớn chứa khoảng 6 g protein. Sữa bò có khoảng 8 g và sữa đậu nành là 6 g protein mỗi cốc. Các nguồn protein thực vật khác còn có trong các loại đậu và hạt.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, giảm cân và suy dinh dưỡng có thể khiến người mắc bệnh ung thư suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và phản ứng kém với điều trị. Người bệnh nên ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ calo, protein và các chất dinh dưỡng khác. Nếu bị chán ăn hoặc khó ăn uống thì Viện Ung thư Quốc gia Mỹ khuyến nghị người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ, thêm sinh tố sữa chua hoặc chất bổ sung dinh dưỡng dạng lỏng vào giữa các bữa ăn. Các bữa ăn nên có nhiều protein và carb; ăn trái cây và rau quả. Các chất béo lành mạnh nên lựa chọn như ô liu, bơ, các loại hạt...
Sau khi hoàn thành điều trị ung thư và cảm thấy khỏe hơn, nhu cầu calo của người bệnh có thể giống như người trưởng thành khỏe mạnh. Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống của Mỹ năm 2015-2020, phụ nữ khỏe mạnh thường cần 1.600-2.000 calo mỗi ngày để duy trì cân nặng và nam giới là 2.000-3.000 mỗi ngày. Lượng protein khuyến nghị đối với người trưởng thành khỏe mạnh là 0,8 g cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.